Nhà ở thương mại là gì? Quy định liên quan đến nhà ở thương mại
Hiện nay, thị trường nhà ở được phân khúc rất nhiều với giá cả phong phú để người dân có thể lựa chọn tùy theo nhu cầu cũng như khả năng tài chính của mỗi người. Trong đó, nhà ở thương mại không thể không nhắc tới, bởi đây là một loại hình giao dịch mua bán khá phổ biến. Vậy nhà ở thương mại là gì? Một số quy định pháp luật liên quan đến chủ đầu tư dự án về xây dựng nhà ở thương mại như thế nào? Hãy cùng BATDONGSAN EXPRESS tìm hiểu chi tiết hơn ở bài viết dưới đây.
1. Nhà ở thương mại là gì?
Hiện nay, sự xuất hiện của nhà ở xã hội và nhà ở thương mại trở nên khá phổ biến. Do đó, mà nhiều người vẫn còn đang băn khoăn giữa nhà ở xã hội và nhà ở thương mại là gì? Cùng tìm hiểu 2 khái niệm dưới đây để phân biệt nhà ở xã hội và nhà ở thương mại.
Theo quy định tại Điều 3 Luật Nhà ở 2014 thì: “Nhà ở thương mại là các công trình nhà ở được đầu tư xây dựng nhằm mục đích cho thuê mua, cho thuê hoặc bán theo cơ chế thị trường”. Có thể hiểu một cách đơn giản, nhà ở thương mại là những căn hộ được xây dựng bởi chủ đầu tư với mục đích bán hoặc cho thuê, trong đó hai bên giao dịch mua bán sẽ tự đưa ra quyết định về vấn đề giá cả.
Nhà ở xã hội là nhà ở được sự hỗ trợ của Nhà nước cho những đối tượng được hưởng các chính sách hỗ trợ về nhà ở theo quy định Luật nhà ở. Tức là nhà nước sẽ hỗ trợ cho những dự án nhà ở xã hội và người mua nhà được hưởng mức giá ưu đãi hơn so với các căn hộ thuộc diện thương mại.
Xem thêm: Các bước thực hiệnthủ tục sang tên sổ đỏ khi bố mẹ mất
2. Chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại có quyền gì?
Theo Điều 25 Luật nhà ở 2014 quy định về quyền chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại sau đây:
Yêu cầu cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện các thủ tục theo đúng quy định của pháp luật trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai thực hiện dự án.
Cho thuê, cho thuê mua, bán nhà ở; thực hiện huy động vốn, thu tiền cho thuê, cho thuê mua, tiền bán nhà ở theo quy định của Luật này, pháp luật về kinh doanh bất động sản và theo nội dung hợp đồng đã ký kết.
Thực hiện các quyền của người sử dụng đất và kinh doanh sản phẩm trong dự án theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về kinh doanh bất động sản.
Được chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.
Được thực hiện quản lý, khai thác hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án theo quyết định chủ trương đầu tư dự án của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở được xây dựng trong dự án theo quy định tại Điều 9 của Luật này và pháp luật về đất đai.
Được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước trong quá trình thực hiện dự án theo quy định của pháp luật.
Thực hiện các quyền khác theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.
Xem thêm: Cách tính điểm khi xét mua nhà ở xã hội đầy đủ và chính xác nhất
3. Chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại có trách nhiệm gì?
Tại Điều 26 Luật nhà ở 2014 quy định như sau:
Lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai thực hiện dự án theo đúng quy định của Luật này và pháp luật về xây dựng.
Ký quỹ để thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư; đóng tiền bảo lãnh giao dịch nhà ở theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản; bảo đảm năng lực tài chính để thực hiện dự án theo quy định của pháp luật.
Xây dựng nhà ở và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong dự án theo đúng quy hoạch chi tiết, nội dung quyết định chủ trương đầu tư dự án của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tuân thủ thiết kế, tiêu chuẩn diện tích nhà ở và tiến độ của dự án đã được phê duyệt.
Dành diện tích đất ở đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong dự án để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở.
Công khai trên trang thông tin điện tử và tại trụ sở Ban quản lý dự án của mình các thông tin quy định tại điểm b khoản 5 Điều 19 của Luật này; báo cáo tình hình triển khai, kết quả thực hiện dự án theo định kỳ và khi kết thúc dự án theo quy định của pháp luật về nhà ở và pháp luật về kinh doanh bất động sản.
Thực hiện đầy đủ các cam kết trong hợp đồng kinh doanh sản phẩm của dự án, bàn giao nhà ở và các giấy tờ liên quan đến nhà ở giao dịch cho khách hàng; thực hiện giao dịch mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở và kinh doanh quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.
Trong thời hạn 50 ngày, kể từ ngày bàn giao nhà ở cho người mua hoặc kể từ thời điểm bên thuê mua đã thanh toán đủ tiền theo thỏa thuận thì phải làm thủ tục đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cho người mua, người thuê mua nhà ở, trừ trường hợp người mua, thuê mua tự nguyện làm thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận. Trường hợp xây dựng nhà ở để cho thuê thì có trách nhiệm lập và lưu trữ hồ sơ nhà ở theo quy định tại Điều 76 và Điều 77 của Luật này.
Bảo hành nhà ở theo quy định của Luật này và pháp luật về xây dựng; thực hiện các nghĩa vụ tài chính cho Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Chấp hành các quyết định đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền về xử lý hành vi vi phạm pháp luật khi có sai phạm trong việc phát triển nhà ở, huy động vốn, ứng tiền trước của khách hàng, thực hiện các giao dịch về nhà ở và các hoạt động khác quy định tại Điều này.
Bồi thường trong trường hợp gây thiệt hại cho khách hàng hoặc cho tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tham gia đầu tư xây dựng nhà ở.
Việc hiểu rõ khái niệm nhà ở thương mại cũng như quyền và trách nhiệm của chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại là vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo quyền và nghĩa vụ của mỗi người. BATDONGSAN EXPRESS hy vọng qua bài viết này bạn sẽ có thêm nhiều thông tin hữu ích về luật nhà đất.