Khái niệm đất đai theo luật đất đai 2013 và một số nguyên tắc về quản lý đất đai
Đất đai thường được sử dụng cho nhiều vấn đề khác nhau như nông nghiệp hữu cơ, quản lý tài nguyên nước, trồng rừng, xây dựng nhà ở và các dự án công cộng khác. Vậy đất đai là gì? Trong bài viết dưới đây, BATDONGSAN EXPRESS sẽ cung cấp khái niệm đất đai theo luật đất đai 2013 cũng như một số nguyên tắc về quản lý đất đai và Luật Đất đai.
I. Khái niệm về đất đai
Đất đai được định nghĩa rõ ràng trong quy định tại Điều 4 trong Thông tư 14/2014/TT-BTNMT, cụ thể là:
“Đất đai là một vùng đất có ranh giới, vị trí, diện tích cụ thể và có các thuộc tính tương đối ổn định hoặc thay đổi nhưng có tính chu kỳ, có thể dự đoán được, có ảnh hưởng tới việc sử dụng đất trong hiện tại và tương lai của các yếu tố tự nhiên, kinh tế - xã hội như: thổ nhưỡng, khí hậu, địa hình, địa mạo, địa chất, thuỷ văn, thực vật, động vật cư trú và hoạt động sản xuất của con người.”
Ngoài ra, trong Luật Đất đai 2013 cũng đã quy định về một số vấn đề pháp lý liên quan đến đất đai như sau:
“- Chế độ sở hữu đất đai, quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai;
- Chế độ quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất đối với đất đai,…”
Không những thế, đất đai cũng sẽ được phân loại thành ba nhóm chính theo Điều 10 của Luật Đất đai 2013 như sau:
“- Nhóm đất nông nghiệp bao gồm:
+ Đất trồng cây hàng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác;
+ Đất trồng cây lâu năm;
+ Đất rừng sản xuất;
+ Đất rừng phòng hộ;…
- Nhóm đất phi nông nghiệp bao gồm :
+ Đất ở gồm đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị;
+ Đất xây dựng trụ sở cơ quan;
+ Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh;
+ Đất xây dựng công trình sự nghiệp gồm đất xây dựng trụ sở của tổ chức sự nghiệp; đất xây dựng cơ sở văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao, khoa học và công nghệ, ngoại giao và công trình sự nghiệp khác;
+ Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp gồm đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất; đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp;…
- Nhóm đất chưa sử dụng gồm các loại đất chưa xác định mục đích sử dụng.”
Đất đai bao gồm 3 nhóm chính được xác định rõ ràng trong Luật Đất đai 2013
II. Căn cứ dùng để xác định các loại đất theo Luật Đất đai 2013
Theo quy định của Luật Đất đai 2013, cụ thể ở điều 11 thì việc xác định các loại đất sẽ được dựa theo một số căn cứ sau đây:
“- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở đã được cấp trước ngày 10/12/2009; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
- Giấy tờ về quyền sử dụng đất với trường hợp chưa được cấp Giấy chứng nhận;
- Quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với trường hợp chưa được cấp Giấy chứng nhận;
- Đối với trường hợp không có giấy tờ nêu trên thì việc xác định loại đất như sau:
+ Xác định loại đất theo hiện trạng đang sử dụng: Trường hợp đang sử dụng đất ổn định mà không phải do lấn, chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép.
+ Trường hợp sử dụng đất do lấn, chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép: Căn cứ vào nguồn gốc, quá trình quản lý, sử dụng đất để xác định loại đất.
+ Xác định loại đất trong trường hợp thửa đất đang sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau (không phải là đất ở có vườn, ao trong cùng thửa đất):
Nếu xác định được ranh giới sử dụng giữa các mục đích sử dụng thì tách thửa đất theo từng mục đích và xác định mục đích theo hiện trạng sử dụng của từng thửa đất đó;
Nếu không xác định được ranh giới sử dụng giữa các mục đích thì mục đích sử dụng đất chính được xác định theo loại đất hiện trạng có mức giá cao nhất trong bảng giá,…”
Một số căn cứ dùng để xác định loại đất đai
III. Một số nguyên tắc về quản lý đất đai và Luật Đất đai
1. Các nguyên tắc cơ bản trong Luật đất đai
Nguyên tắc đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu
Kể từ bản Hiến pháp năm 1980 cho đến hiện tại, đất đai ở Việt Nam đã được quốc hữu hóa và thuộc chế độ sở hữu của toàn dân. Tức là Nhà nước là chủ sở hữu đất đai và toàn dân là chủ sử dụng đất đai. Như vậy, chủ sở hữu và chủ sử dụng đất đai ở Việt Nam có mối quan hệ khăng khít với nhau.
Bởi đất đai ở Việt Nam là một trong những tài nguyên của quốc gia, nhưng không vì thế mà Nhà nước không có kế hoạch hay chủ trương nhằm để xác định giá đất. Việc này sẽ làm cơ sở cho việc chuyển đổi quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó, đất đai còn là một loại hàng hoá đặc biệt, do đó, khi tiến hành lưu chuyển cần phải được thực hiện trong khuôn khổ quy định của pháp luật hiện hành.
Nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý đất đai theo quy hoạch và pháp luật
Theo Điều 54 tại Hiến pháp 2013 và trong chương 2 của Luật Đất đai 2013, Nhà nước XHCN sẽ là người quản lý đất đai, đại diện chủ sở hữu đất đai. Đây cũng là người xây dựng các chiến lược nhằm phát triển, quy hoạch đất và phê duyệt các chương trình thuộc mức độ quốc gia về sử dụng cũng như khai thác các nguồn tài nguyên.
Nguyên tắc ưu tiên bảo vệ và phát triển quỹ đất nông nghiệp
Vì Việt Nam là nước nông nghiệp, do đó, đất đai là một trong những điều kiện sống còn của đa số dân cư.Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là nước chậm phát triển và có quỹ đất nông nghiệp bình quân đầu người thuộc loại thấp nhất trên thế giới.
Chính vì thế, để đảm bảo an ninh lương thực cho quốc gia và đáp ứng nhu cầu của toàn bộ người dân về lương thực, thực phẩm thì vấn đề bảo vệ, phát triển quỹ đất nông nghiệp luôn đóng vai trò quan trọng trong phát triển đất nước.
Nguyên tắc sử dụng đất đai hợp lý và tiết kiệm
Với vốn đất không lớn, nhưng việc khai thác và sử dụng tiềm năng đất ở nước ta lãng phí. Vì vậy, việc quy hoạch, lên kế hoạch sử dụng đất cần thực hiện đầu tiên, nhằm để tạo cơ sở khoa học cho việc sử dụng, khai thác đất một cách hợp lý và tiết kiệm.
Nguyên tắc thường xuyên cải tạo và bồi bổ đất đai
Nếu con người muốn tận dụng tối đa lợi ích đến từ đất đai thì việc giữ gìn, cải tạo và bồi dưỡng tài nguyên đất sẽ làm tăng lợi nhuận và mang đến lợi ích lâu dài.
Một số nguyên tắc cơ bản trong Luật Đất đai 2013
2. Các nguyên tắc về quản lý đất đai
Đối tượng của việc quản lý đất đai bao gồm: đất công và đất tư, với các công việc như: đo đạc, đăng ký đất đai, định giá đất, lưu giữ, cập nhập thông tin về đất đai, giám sát sử dụng và giải quyết các tranh chấp liên quan đến đất đai. Cụ thể trong Luật đất đai 2013 đã quy định như sau:
“Điều 6. Quản lý nhà nước về đất đai
1. Nhà nước thống nhất quản lý về đất đai.
2. Nội dung quản lý nhà nước về đất đai bao gồm:
a) Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai và tổ chức thực hiện các văn bản đó;
b) Xác định địa giới hành chính, lập và quản lý hồ sơ địa giới hành chính, lập bản đồ hành chính;
c) Khảo sát, đo đạc, đánh giá, phân hạng đất; lập bản đồ địa chính, bản đồ hiện trạng sử dụng đất và bản đồ quy hoạch sử dụng đất;
d) Quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;
đ) Quản lý việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất;
e) Đăng ký quyền sử dụng đất, lập và quản lý hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
g) Thống kê, kiểm kê đất đai;
h) Quản lý tài chính về đất đai;
i) Quản lý và phát triển thị trường quyền sử dụng đất trong thị trường bất động sản;
k) Quản lý, giám sát việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất;
l) Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai;
m) Giải quyết tranh chấp về đất đai; giải quyết khiếu nại, tố cáo các vi phạm trong việc quản lý và sử dụng đất đai;
n) Quản lý các hoạt động dịch vụ công về đất đai.
3. Nhà nước có chính sách đầu tư cho việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng hệ thống quản lý đất đai hiện đại, đủ năng lực, bảo đảm quản lý đất đai có hiệu lực và hiệu quả.”
Một số nguyên tắc cơ bản trong quản lý đất đai
Trên đây là những thông tin liên quan đến khái niệm đất đai và một số căn cứ dùng để xác định các loại đất. Hy vọng nội dung mà BATDONGSAN EXPRESS chia sẻ ở bài viết này sẽ giúp bạn có thêm kiến thức về đất đai cũng như hiểu các nguyên tắc cơ bản về quản lý đất đai.