Có mấy loại đất chính và cách phân loại đất như thế nào?
Ở nước ta hiện nay có nhiều loại đất khác nhau và căn cứ vào mục đích sử dụng mà sẽ chia thành các nhóm đất chính. Vậy có mấy loại đất chính và cách phân biệt những loại đất này như thế nào? Hãy cùng BATDONGSAN EXPRESS đi tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây.
Tùy vào mục đích sử dụng mà các loại đất ở Việt Nam được chia thành 3 nhóm chính
I. 3 nhóm đất chính ở Việt Nam
Dựa vào mục đích sử dụng, ở nước ta có 3 nhóm đất chính là đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng. Với mỗi nhóm đất chính lại chia thành nhiều loại đất khác nhau. Cụ thể như sau:
1. Nhóm đất nông nghiệp
Đất nông nghiệp là loại đất được Nhà nước giao cho người dân với mục đích phục vụ cho nhu cầu sản xuất, nghiên cứu hoặc thí nghiệm về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, làm muối, bảo vệ rừng và phát triển rừng.
Nhóm đất nông nghiệp bao gồm các loại đất là:
Đất sử dụng để trồng cây hằng năm
Đất dùng cho trồng cây lâu năm
Đất rừng phòng hộ
Đất rừng đặc dụng
Đất rừng sản xuất
Đất làm muối
Đất nuôi trồng thủy sản
Đất nông nghiệp khác
Nhóm đất nông nghiệp chủ yếu phục vụ cho nhu cầu trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp
2. Nhóm đất phi nông nghiệp
Nhóm đất này bao gồm những loại đất không nằm trong nhóm đất nông nghiệp dùng để làm vườn, chăn nuôi hay trồng trọt…
Các loại đất thuộc nhóm đất phi nông nghiệp bao gồm:
Đất để xây dựng các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng
Đất trên các sông, suối, kênh, rạch, mặt nước chuyên dùng
Đất thổ cư ở khu vực thành thị
Đất thổ cư ở vùng nông thôn
Đất phục vụ mục đích sử dụng trong quốc phòng, an ninh
Đất sử dụng cho mục đích phục vụ công cộng
Đất dùng làm nhà tang lễ, nhà hỏa táng, nghĩa địa, nghĩa trang
Đất xây dựng trụ sở cơ quan hành chính của Nhà nước
Đất sử dụng trong sản xuất và kinh doanh phi nông nghiệp
Đất phi nông nghiệp khác
3. Nhóm đất chưa sử dụng
Đây là nhóm bao gồm các loại đất chưa xác định được mục đích sử dụng như đất đồi núi, đất đồng bằng chưa sử dụng hay núi đá không có rừng cây.
II. Phân loại đất thực tế căn cứ theo quy định của pháp luật
1. Trường hợp đất có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất
Quy định tại Điều 11, Luật đất đai năm 2013, có thể dựa vào những giấy tờ dưới đây để xác định loại đất:
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ); Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất
Giấy tờ về quyền sử dụng đất được quy định tại các Khoản 1, 2, 3 Điều 100, Luật đất đai năm 2013 trong các trường hợp chưa được cấp Giấy chứng nhận
Quyết định về việc cho thuê đất, giao đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp chưa được cấp Giấy chứng nhận quy định tại khoản 1 Điều 100
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là giấy tờ quan trọng để phân loại đất theo quy định của pháp luật
2. Trường hợp không có các giấy tờ chứng minh về quyền sử dụng đất
Nếu không có lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép thì loại đất sẽ được xác định theo hiện trang đang sử dụng. Trường hợp có lấn chiếm hay tự ý chuyển mục đích sử dụng đất thì căn cứ vào nguồn gốc, quá trình sử dụng, quản lý để xác định loại đất.
Trường hợp Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị - xây dựng - điểm dân cư nông thôn - xã nông thôn mới đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt để xác định loại đất.
Với thửa đất sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau: Nếu xác định được ranh giới sử dụng giữa các mục đích thì tách thửa đất theo từng mục đích và xác định mục đích cho mỗi thửa đất. Nếu không xác định được ranh giới sử dụng thì xác định loại đất là loại có giá cao nhất trong Bảng giá đất. Nếu là nhà chung cư có mục đích hỗn hợp với 1 phần diện tích sàn nhà được dùng làm văn phòng, cơ sở thương mại - dịch vụ thì mục đích sử dụng chính của phần diện tích đất xây dựng nhà chung cư là đất ở.
III. Tìm hiểu quyền lợi và nghĩa vụ của người sử dụng đất
1. Về quyền lợi chung của người sử dụng đất
Căn cứ vào Điều 166, Luật đất đai 2013 thì quyền chung của người sử dụng đất được quy định như sau:
Được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ
Được hưởng các thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất mà mình sở hữu
Hưởng mọi lợi ích do công trình của Nhà nước phục vụ việc cải tạo, bảo vệ đất nông nghiệp
Được hướng dẫn, hỗ trợ trong vấn đề cải tạo, bồi bổ đất nông nghiệp
Được sự bảo hộ từ Nhà nước nếu như có người khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp về đất đai của mình
Hưởng bồi thường theo đúng quy định nếu Nhà nước có chính sách thu hồi đất
Được tự do khiếu nại, tố cáo, khởi kiện những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất và vi phạm pháp luật về đất đai
Người sử dụng đất có quyền được hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên thửa đất của mình
2. Nghĩa vụ của người sử dụng đất
Quy định về nghĩa vụ chung của người sử dụng đất tại Điều 170, Luật đất đai 2013 như sau:
Sử dụng đất đúng ranh giới thửa đất, đúng mục đích, đúng quy định về chiều cao trên không và độ sâu trong lòng đất; tuân theo những quy định khác có liên quan và bảo vệ các công trình công cộng khác trong lòng đất
Cần phải kê khai đăng ký đất đai; thực hiện đầy đủ các thủ tục khi chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế hay tặng quyền sử dụng đất; góp vốn, thế chấp bằng quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật
Thực hiện các biện pháp bảo vệ đất đai, các nghĩa vụ tài chính theo quy định
Tuân thủ quy định về việc tìm thấy vật trong lòng đất, các quy định khác về bảo vệ môi trường
Giao lại đất khi Nhà nước có quyết định thu hồi hoặc khi hết thời hạn sử dụng đất mà không được gia hạn sử dụng
Trên đây, BATDONGSAN EXPRESS vừa chia sẻ thông tin về các loại đất chính, cách phân loại cũng như quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất tại Việt Nam. Hãy luôn tuân thủ các quy định về việc sử dụng đất để được Nhà nước đảm bảo mọi quyền lợi cho mình.