TOP 10 CÔNG TY NGÀNH BẤT ĐỘNG SẢN UY TÍN NHẤT 2017
Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) và Báo VietNamNet đã chính thức công bố Top 10 Công ty uy tín ngành Bất động sản – Xây dựng – Vật liệu xây dựng năm 2017
Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) và Báo VietNamNet đã chính thức công bố Top 10 Chủ đầu tư bất động sản, Top 5 công ty tư vấn & môi giới bất động sản, Top 10 Nhà thầu xây dựng và Top 10 Công ty vật liệu xây dựng uy tín năm 2017.
Đây là kết quả nghiên cứu độc lập của Vietnam Report, được xây dựng dựa trên nguyên tắc khoa học và khách quan. Các công ty được đánh giá, xếp hạng dựa trên các tiêu chí: (1) Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất; (2) Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding – mã hóa các bài viết về doanh nghiệp trên truyền thông; (3) Khảo sát người dân đang sinh sống tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh về mức độ hài lòng với các sản phẩm/ dịch vụ bất động sản, độ tin cậy của các thương hiệu nhà thầu và công ty sản xuất – kinh doanh vật liệu xây dựng. Bên cạnh đó, khảo sát doanh nghiệp về tình hình hoạt động, số lượng dự án, tiến độ triển khai dự án… trong năm 2016 – 2017 cũng được sử dụng như yếu tố bổ sung nhằm xác định vị thế của doanh nghiệp trong ngành. Những doanh nghiệp này không phải trả một khoản phí nào để có tên trong các bảng xếp hạng.
Những công ty có mặt trong các danh sách này đều có năng lực tài chính ổn định, có kinh nghiệm hoạt động trong ngành, thương hiệu được nhiều người tin tưởng và đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của toàn ngành bất động sản – xây dựng – vật liệu xây dựng Việt Nam trong thời gian vừa qua.
Danh sách 1:
Top 10 Chủ đầu tư Bất động sản uy tín năm 2017 – Top 10 Most Reputable Property Developers 2017 - Nguồn: Vietnam Report
Danh sách 2:
TOP 5 CÔNG TY TƯ VẤN & MÔI GIỚI BẤT ĐỘNG SẢN UY TÍN NĂM 2017 – Top 5 Most Reputable Real Estate Agencies 2017: Nguồn: Vietnam Report
Danh sách 3:
TOP 10 NHÀ THẦU XÂY DỰNG UY TÍN NĂM 2017 – Top 10 Most Reputable Building Contractors 2017 - Nguồn: Vietnam Report
Danh sách 4:
TOP 10 CÔNG TY VẬT LIỆU XÂY DỰNG UY TÍN NĂM 2017 – Top 10 Most Reputable Building Material Companies 2017 - Nguồn: Vietnam Report
Một số điểm nhấn trong Top 10 ngành bất động sản – xây dựng – vật liệu xây dựng:
Đầu tư bất động sản đạt kết quả kinh doanh tốt hơn hoạt động xây dựng và sản xuất – kinh doanh vật liệu xây dựng
Theo số liệu thống kê của Vietnam Report, doanh thu và lợi nhuận sau thuế trung bình năm 2015 của nhóm chủ đầu tư bất động sản đạt lần lượt 649.571 triệu và 76.462 triệu đồng, cao hơn nhiều so với mức trung bình của các doanh nghiệp thuộc nhóm vật liệu xây dựng, xây dựng và tư vấn & môi giới bất động sản. Đây là minh chứng cho thấy các chủ đầu tư hoạt động kinh doanh khá hiệu quả trong thời gian vừa qua.
Hình 1: Doanh thu và lợi nhuận sau thuế trung bình năm 2015 của các doanh nghiệp ngành bất động sản – xây dựng – vật liệu xây dựng (đơn vị: triệu đồng)
Nguồn: Vietnam Report, Dữ liệu doanh nghiệp ngành bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng năm 2015
Nhóm chủ đầu tư xuất hiện đa dạng chủ đề nhất trên truyền thông
Dữ liệu mã hóa truyền thông trên các đầu báo như Thời báo kinh tế Việt Nam, Báo Đầu tư, Thời báo Kinh tế Sài gòn,Vnexpress, Dantri, Saigondaututaichinh, Cafef, Tienphong vv..trong thời gian từ tháng 2/2016 đến tháng 2/2017 do Vietnam Report thực hiện cho thấy, trong số 11 công ty có trên 10 nhóm chủ đề bao phủ trên truyền thông, có đến 5 đại diện đến từ nhóm chủ đầu tư là Vingroup, Novaland, Sungroup, C.E.O Group, Him Lam; tiếp đến là 3 đại diện từ nhóm vật liệu xây dựng: Thép Hòa Phát, Viglacera, Eurowindow; 2 đại diện của nhóm nhà thầu xây dựng: Địa ốc Hòa Bình và Coteccons; và 1 đại diện của nhóm tư vấn & môi giới là Savills Việt Nam.
Hình 2: Các công ty có trên 10 nhóm chủ đề bao phủ (trong tổng số 24 nhóm chủ đề) trên truyền thông (đơn vị: nhóm chủ đề)
Nguồn: Vietnam Report, Dữ liệu Media Coding từ tháng 2/2016 đến tháng 2/2017
Sự đa dạng về nhóm chủ đề bao phủ cho thấy các chủ đầu tư bất động sản nhận thức rõ và có sự đầu tư kỹ lưỡng hơn về mặt xây dựng hình ảnh doanh nghiệp trên truyền thông so với các nhóm doanh nghiệp khác.
Top 10 nhóm chủ đề được nhiều doanh nghiệp đề cập đến nhất: Sản phẩm, Tài chính/ Kết quả kinh doanh, Chứng khoán, Hình ảnh/ PR, Đầu tư, Chiến lược kinh doanh/ M&A, Khách hàng/ Quan hệ khách hàng, Nghiên cứu phát triển (R&D), Vị thế, Giá cả. Các chủ đề ít được đề cập trên truyền thông: Văn hóa doanh nghiệp, Lương, Chính sách môi trường, Báo cáo, Lịch sử, Toàn cầu hóa.
Nhóm vật liệu xây dựng có tỷ lệ thông tin tích cực cao hơn
Xét về tỷ lệ chênh lệch thông tin tích cực và tiêu cực trên tổng số lượng thông tin mã hóa của các doanh nghiệp trên truyền thông, trong số 10 công ty có tỷ lệ chênh lệch cao nhất, có 4 đại diện của nhóm vật liệu xây dựng bao gồm: Phú Tài, Eurowindow, Vĩnh Tường, Đồng Tâm; 4 đại diện đến từ nhóm chủ đầu tư: Novaland, C.E.O Group, Sungroup, Vingroup; 1 đại diện tư vấn & môi giới bất động sản là Đất Xanh miền Bắc, và 1 đại diện nhà thầu xây dựng là Coteccons.
Hình 3: Top 10 công ty có tỷ lệ chênh lệch tin tích cực và tiêu cực cao nhất trên truyền thông (đơn vị: %)
Nguồn: Vietnam Report, Dữ liệu Media Coding từ tháng 2/2016 đến tháng 2/2017
Có thể thấy, ngoài lượng thông tin nhiều, bao phủ đa dạng chủ đề thì chất lượng thông tin cũng rất quan trọng để định hình hình ảnh “khỏe mạnh” hay uy tín truyền thông của doanh nghiệp. Theo nghiên cứu truyền thông và kinh nghiệm xếp hạng của Vietnam Report, doanh nghiệp cần đạt được một tỷ lệ thông tin tích cực và tiêu cực nhất định, không để thông tin tiêu cực xuất hiện quá lâu trên truyền thông hay trở thành một ví dụ điển hình cho sự thất bại (tối đa 10% tin tiêu cực) và thay thế bằng các thông tin tích cực bao trùm nhiều khía cạnh: kết quả kinh doanh, sản phẩm, trách nhiệm xã hội, lãnh đạo doanh nghiệp… (tối thiểu 20% tin tích cực). Các tin tiêu cực về doanh nghiệp bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng trong năm vừa qua thường có liên quan đến vấn đề kinh doanh thua lỗ, giá cổ phiếu giảm, giải tỏa mặt bằng, ô nhiễm môi trường…
Song song với việc xếp hạng Top 10 uy tín, Vietnam Report cũng tiến hành khảo sát các doanh nghiệp ngành bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng về triển vọng ngành trong năm 2016 – 2017. Kết quả khảo sát về cơ bản cho thấy, các doanh nghiệp tỏ ra lạc quan về hoạt động đầu tư và kinh doanh trong thời gian tới đây.
Đầu tư và kinh doanh bất động sản sẽ cạnh tranh khốc liệt hơn trong năm 2017
Theo thống kê của Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), tính đến cuối tháng 2, tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 29.573 tỷ đồng, giảm 1.450 tỷ đồng so với tháng 12/2016, tương đương mức giảm 4,67%. Bên cạnh đó, dòng vốn FDI đổ vào bất động sản trong 2 tháng đầu năm 2017, theo Cục đầu tư nước ngoài, đã lên tới 52,4 tỷ USD, chiếm 17,6% tổng vốn đầu tư, cho thấy bất động sản vẫn duy trì sức hấp dẫn của một kênh đầu tư hiệu quả không chỉ với các nhà đầu tư trong nước mà cả với nhà đầu tư nước ngoài.
Số liệu mới công bố gần đây của Tổng cục thống kê chỉ ra rằng, kinh doanh bất động sản là lĩnh vực có số doanh nghiệp thành lập mới và vốn đăng ký trong 2 tháng đầu năm tăng cao nhất so với cùng kỳ năm trước (tăng 43,4% về số doanh nghiệp và tăng 63,8% về vốn đăng ký), trong khi số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể của lĩnh vực này lại giảm 22,1% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy thị trường bất động sản đang có sự cạnh tranh rất khốc liệt. Đây cũng được cho là yếu tố ảnh hưởng nhất đến mục tiêu tăng trưởng của các doanh nghiệp bất động sản, với tỷ lệ 54,5% số doanh nghiệp khảo sát lựa chọn “đối thủ cạnh tranh trong ngành” là rào cản tăng trưởng trong năm 2017.
Hình 4: Rào cản tăng trưởng của doanh nghiệp trong năm 2017 (đơn vị: %)
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các doanh nghiệp ngành bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng, tháng 2/2017
Tiềm năng tăng trưởng lĩnh vực xây dựng và kinh doanh vật liệu xây dựng là rất lớn
Năm 2016 được đánh giá là một năm bứt phá mạnh mẽ của nhiều doanh nghiệp xây dựng. Chỉ tính riêng các doanh nghiệp niêm yết trên sàn, tính đến cuối tháng 2 có 111/119 doanh nghiệp nhóm ngành xây dựng đang niêm yết công bố báo cáo tài chính quý 4/2016, trong đó 104 doanh nghiệp báo lãi (chiếm tỷ lệ 87,4%) và 7 doanh nghiệp thua lỗ (chiếm tỷ lệ 5,9%) (theo Vietstock). Bên cạnh đó, Tổ chức nghiên cứu quốc tế Business Monitor International – BMI dự báo, tốc độ tăng trưởng thực trung bình của ngành xây dựng vào khoảng 6%/năm trong giai đoạn 2016 – 2024 (cao hơn mức trung bình 4,4%/năm của giai đoạn 2013 – 2015).
Khảo sát các doanh nghiệp nhóm xây dựng, kinh doanh vật liệu xây dựng cho thấy, phần đông (71,4%) các doanh nghiệp đánh giá nhu cầu xây dựng nhà ở, công trình dân dụng trong năm 2017 có xu hướng tăng lên, 28,6% còn lại cho rằng nhu cầu không thay đổi so với năm trước đó. Rõ ràng, tiềm năng tăng trưởng của ngành hiện nay là rất lớn. Nếu tận dụng tốt cơ hội, các doanh nghiệp xây dựng – vật liệu xây dựng hoàn toàn có thể sớm đạt, thậm chí vượt xa mức kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm 2017.
Hình 5: Đánh giá nhu cầu xây dựng nhà ở, công trình dân dụng trong năm 2017 (đơn vị: %)
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các doanh nghiệp ngành bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng, tháng 2/2017
Khuyến nghị chính sách: Ổn định kinh tế vĩ mô và cải thiện cơ sở hạ tầng sẽ tạo điều kiện hoạt động tốt hơn cho các doanh nghiệp bất động sản – xây dựng – vật liệu xây dựng
Theo ý kiến của các doanh nghiệp khảo sát, để hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn, Chính phủ trong thời gian tới cần ưu tiên mục tiêu “ổn định kinh tế vĩ mô” (68,7% lựa chọn) và “cải thiện cơ sở hạ tầng” (61,5% lựa chọn). Thực tế cho thấy, nhiều công trình dân dụng được xây dựng đảm bảo mĩ quan, chất lượng công trình tốt, giá cả phù hợp, tuy nhiên nằm ở vị trí khá xa trung tâm nên kém hấp dẫn khách hàng hơn. Nếu cơ sở hạ tầng, giao thông được cải thiện, đây sẽ là những dự án “vàng” trong bối cảnh nhu cầu nhà ở đang tăng cao như hiện nay.
Ngoài những chính sách cơ bản được khảo sát, một số doanh nghiệp nhận định, việc cung cấp thông tin thị trường liên tục, thường xuyên và chính xác sẽ hỗ trợ doanh nghiệp có cái nhìn tổng quan về xu hướng thị trường để xây dựng chiến lược và phân khúc khách hàng thích hợp.
Hình 6: Chính phủ cần ưu tiên thực hiện chính sách nào nhằm hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp trong ngành? (đơn vị: %)
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các doanh nghiệp ngành bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng, tháng 2/2017
Thị trường bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng đang có cơ hội để “phất lên” trong năm 2017. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, đầu tư bất động sản rủi ro rất cao, nguy cơ “bong bóng bất động sản” dù hiện nay rất khó xảy ra nhưng luôn tồn tại song hành cùng sự tăng trưởng và tình trạng đầu cơ. Do đó, các doanh nghiệp cần thận trọng trong định hướng hoạt động và có những quyết sách phù hợp với thực tế cũng như xu thế của thị trường, qua đó xây dựng uy tín thương hiệu, trở thành sự lựa chọn đáng tin cậy của khách hàng mỗi khi nghĩ đến việc mua/ xây dựng ngôi nhà mơ ước của mình.
Phương pháp nghiên cứu phân tích truyền thông để đánh giá uy tín của các doanh nghiệp dựa trên học thuyết Agenda Setting về sự ảnh hưởng, tác động của truyền thông đại chúng đến cộng đồng và xã hội được 2 giáo sư Maxwell McCombs và Donald L. Shaw chính thức công bố vào năm 1968, được Vietnam Report và các đối tác hiện thực hóa và áp dụng. Theo đó, Vietnam Report đã sử dụng phương pháp Branch Coding để tiến hành phân tích uy tín truyền thông của các doanh nghiệp bất động sản – xây dựng – vật liệu xây dựng.
Vietnam Report tiến hành mã hóa (coding) các bài báo viết về ngành bất động sản – xây dựng – vật liệu xây dựng được đăng tải trên Thời báo kinh tế Việt Nam, Báo Đầu tư, Thời báo Kinh tế Sài gòn,Vnexpress, Dantri, Saigondaututaichinh, Cafef, Tienphong vv. Tổng số có 1.878 bài báo, với tương ứng 3.093 coding unit (đơn vị mã hóa) được đánh giá theo ở cấp độ câu chuyện (story –level) về 24 khía cạnh hoạt động cụ thể của các doanh nghiệp từ sản phẩm, kết quả kinh doanh, thị trường … tới các hoạt động và uy tín của lãnh đạo doanh nghiệp. Các thông tin được lựa chọn để mã hóa (coding) dựa trên 2 nguyên tắc cơ bản: Tên doanh nghiệp xuất hiện ngay trên tiêu đề của bài báo, hoặc tin tức về doanh nghiệp được đề cập tối thiểu chiếm 5 dòng trong bài báo, đây được gọi là ngưỡng nhận thức – khi thông tin được đánh giá là có giá trị phân tích. Các thông tin được đánh giá ở các cấp độ: 0: Trung lập; 1: Tích cực; 2: Khá tích cực; 3: Không rõ ràng; 4: Khá tiêu cực; 5: Tiêu cực. Tuy nhiên, thống kê lại, nhóm nghiên cứu đưa ra 3 cấp bậc để đánh giá cuối cùng, bao gồm: Trung lập (gồm 0 và 3), tích cực (1 và 2), và tiêu cực (4 và 5).
Theo Vietnam Report