BẤT ĐỘNG SẢN VIỆT NAM VỚI HÓA GIẢI TẢNG BĂNG NĂM 2016
Sau nhiều năm đóng băng, thị trường bất động sản Việt Nam đã bắt đầu phục hồi trở lại trong năm 2014-2015. Việc phá băng bắt đầu thành công từ chính sách phát triển nhà ở thu nhập thấp.
Hãy cùng chúng tôi theo dõi bài viết dưới đây để biết được quá trình “phá băng 2016” diễn ra như thế nào nhé!
Nguyên nhân nào dẫn đến đóng băng thị trường bất động sản Việt Nam
Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “đóng băng” của thị trường bất động sản vào giai đoạn 2011-2012 là do tình trạng lệch pha cung – cầu. Thị trường xuất hiện tràn lan và đã thừa quá nhiều sản phẩm trung và cao cấp, trong khi lại thiếu nhiều sản phẩm bình dân, giá rẻ.
Chính vì vậy, vấn đề cốt lõi nếu muốn tháo gỡ khó khăn cho thị trường chính là phải khắc phục được sự lệch pha “cung – cầu”, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa hợp lý để sản phẩm bất động sản phù hợp được với mọi đối tượng, phù hợp với nhu cầu thực của người dân và khả năng thanh toán thực của thị trường.
Xuất hiện giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản
Đứng trước những khó khăn trong việc cân bằng lại cung – cầu, Bộ Xây dựng đã đề xuất một nhóm giải pháp đồng bộ để tháo gỡ kịp thời những khó khăn cho thị trường bất động sản, gắn với việc thực hiện Chiến lược nhà ở quốc gia, đặc biệt là với nhà ở xã hội.
Bên cạnh việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, việc tiến hành rà soát phân loại các dự án bất động sản cũng diễn ra trên phạm vi cả nước, thực hiện chuyển đổi nhiều dự án nhà ở từ thương mại sang dự án nhà ở xã hội, điều chỉnh cơ cấu căn hộ của các dự án nhà ở thương mại bằng cách chia nhỏ căn hộ cho phù hợp hơn với nhu cầu thực tiễn của thị trường.
Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp sẽ được miễn giảm tiền sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế VAT phát triển nhà ở xã hội. Đặc biệt, Chính phủ đã giành gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng lãi suất ưu đãi dành cho doanh nghiệp để phát triển nhà ở xã hội và người dân vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp.
Giải pháp đã có hiệu nghiệm với thị trường bất động sản
Lượng giao dịch thành công cũng liên tục tăng, bắt đầu từ phân khúc sản phẩm trung bình và thấp đã dần lan sang khu vực sản phẩm trung và cao.
Năm 2014, Hà Nội có 11.550 giao dịch thành công đã tăng 2 lần so với 2013, TP Hồ Chí Minh có khoảng 10.350 giao dịch thành công cũng tăng 1,3 lần so 2013. Trong năm 2015, Hà Nội có giao dịch thành công tăng 1,7 lần so với 2014, TP HCM có giao dịch thành công tăng 1,8 lần so với 2014.
Lượng tồn kho bất động sản đến 2015 đã giảm 77.659 tỷ đồng và còn khoảng 50.889 tỷ đồng, đã giảm 60,41% so với quý I/2013. Đặc biệt, gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, giúp được cho hàng chục ngàn hộ người nghèo và nhiều người thu nhập thấp được cải thiện trong vấn đề nhà ở.
Chúng ta không đi “phá băng” tại chỗ bị đóng băng mà…
Theo báo cáo của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, tính đến hết 30/11/ 2015 các ngân hàng đã cam kết cho vay 24.110 tỷ đồng (đạt 80%), giải ngân được 15.465 tỷ đồng đạt 52%.
Theo GS Đặng Hùng Võ, việc tháo gỡ khó khăn gắn với chiến lược nhà ở quốc gia chính là sự chèo lái bằng chính sách rất khôn ngoan của Chính phủ, khởi nguồn từ các đề xuất của lãnh đạo Bộ Xây dựng. Giải pháp này đã nhìn thấy rất rõ nguyên nhân làm thị trường bất động sản đóng băng.
Ông nhận định: “Chúng ta không đi phá băng tại chỗ băng bị đóng mà chúng ta lại đi nhen lửa tại một nơi dễ bắt lửa hơn để ngọn lửa mới nhen sẽ toả được hơi ấm làm tan băng ở chỗ đang đóng”. Tức là chúng ta không đi phá băng tại phân khúc giá cao mà thay vào đó là phát triển phân khúc giá thấp để cứu vãn thị trường.
Đây là giải pháp mang tính binh pháp chiến lược. Chúng ta không cần sử dụng một lượng vốn tài chính đáng kể nào tạo đà để tiếp tục giải quyết các vấn đề tiếp theo. Chính phủ, Bộ Xây dựng đã làm được bước đi rút ngắn rất nhiều quãng đường cần thiết để phục hồi thị trường bất động sản nước ta trong giai đoạn khó khăn nhất.