[Báo cáo] Thị trường BĐS Việt Nam sau giai đoạn "Đóng băng"
Thị trường bất động sản Việt Nam trong 10 năm trở lại đây đã trải qua hai giai đoạn khủng hoảng dẫn đến “đóng băng” triền miên. Và từ cuối năm 2013 tới nay, thị trường mới có sự khởi sắc nhẹ và bắt đầu đi vào chu kỳ tăng trưởng.
Vậy tình hình cụ thể của thị trường bất động sản Việt Nam sau những giai đoạn “đóng băng” như thế nào? Và nguyên nhân nào khiến bất động sản có sự thay đổi vào những năm gần đây? Chúng ta cùng theo dõi bài viết dưới đây.
Thị trường bất động sản bắt đầu đi vào chu kỳ hồi phục và tăng trưởng trở lại
Thị trường bất động sản Việt Nam vận hành theo chu kỳ, có giai đoạn thì tăng trưởng, có giai đoạn chững lại, cũng có giai đoạn suy thoái. Trong 10 năm qua, thị trường bất động sản đã trải qua hai thời điểm phát triển quá nóng sốt để rồi dẫn đến khủng hoảng từ năm 2007. Hai giai đoạn suy thoái nặng dẫn đến “đóng băng” thị trường là những năm 2008 – 2009 và 2011 – 2013. Những giai đoạn này, thị trường phát triển mất cân đối, nhiều khi không có giao dịch nhưng có lúc thì giao dịch quá “sốt”.
Từ cuối năm 2013 cho đến nay, thị trường bất động sản Việt Nam đi vào chu kỳ phục hồi và tăng trưởng trở lại đỉnh cao là năm 2015. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự phục hồi và tăng trưởng trở lại này của thị trường Việt Nam, trong đó, nguyên nhân cốt lõi nằm ở cơ chế chính sách và nỗ lực “tự giải cứu” của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, nguyên nhân khác được HoREA cho là do các Luật và quy định mới đây dành riêng cho thị trường bất động sản Việt Nam đã bắt đầu chặt chẽ hơn, có những điều khoản mở rộng hơn cho doanh nghiệp. Ví dụ, Luật cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam, đây là một đột biến lớn cho thị trường.
Cơ chế, chính sách Nhà nước tác động trực tiếp tới thị trường bất động sản Việt Nam
Các cơ chế, chính sách và hệ thống pháp luật như Luật Đầu tư, Luật Đất đai 2013, Luật Doanh nghiệp, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất Động Sản 2014, chính sách tín dụng,… đã giữ vai trò quyết định, tạo hành lang pháp lý và có tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản.
Khi thị trường bất động sản Việt Nam bị khủng hoảng dẫn tới “đóng băng” thì Chính phủ đã nới lỏng chính sách tiền tệ cũng như giảm lãi suất tín dụng cơ bản từ 14% năm 2008 xuống dần còn 7% năm 2010 và giảm hệ số rủi ro trong kinh doanh Bất Động Sản xuống còn 150%, cho phép sử dụng vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn lên mức tối đa 60% năm 2014.
Ngoài ra, trong các biện pháp thúc đẩy thị trường, Chính phủ còn thực hiện kích cầu đầu tư tương đương 20.000 tỷ đồng năm 2009. Bên cạnh đó còn có Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ với gói tín dụng ưu đãi lên tới 30.000 tỷ đồng, chủ yếu là kích cầu tiêu dùng, cho phép chuyển dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội và cho phép chia căn hộ lớn thành căn hộ vừa và nhỏ. Chính những điều này đã tạo điều kiện cho thị trường bất động sản Việt Nam phục hồi và tăng trưởng.
Cùng với chính sách của Nhà nước là nỗ lực “tự giải cứu” của doanh nghiệp đã đẩy mạnh nguồn vốn FDI
Phần lớn các doanh nghiệp đã nêu cao trách nhiệm xã hội, trách nhiệm đối với người tiêu dùng, lựa chọn phân khúc đầu tư dựa trên thế mạnh của mình căn cứ vào nhu cầu, thị hiếu và khả năng thanh khoản của khách hàng, đặc biệt là phân khúc nhà ở vừa túi tiền đã đáp ứng một phần nhu cầu của đông đảo người dân có thu nhập trung bình, thấp, người nhập cư.
Mặc dù các cơ chế và chính sách Nhà nước có yếu tố tích cực song quan trọng nhất vẫn nằm ở những nỗ lực “tự giải cứu” của bản thân mỗi doanh nghiệp.
Doanh nghiệp tự vực dậy trong thị trường thông qua hoạt động tái cấu trúc doanh nghiệp, giãn tiến độ triển khai dự án, tái cơ cấu đầu tư, dừng, giảm, cơ cấu lại sản phẩm cho phù hợp nhu cầu và khả năng mua của thị trường. Bên cạnh đó không ngừng tăng cường hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp mở rộng mua bán, chuyển nhượng dự án. Nhờ vậy, thị trường địa ốc Việt Nam có nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã gia tăng mạnh trong những năm gần đây.
Các dự án có nhiều tiện ích, an toàn, xanh và thân thiện với môi trường đang là xu thế phát triển của thị trường Bất Động Sản. Một số doanh nghiệp có năng lực đã tham gia đầu tư xây dựng công trình hạ tầng của thành phố theo phương thức xã hội hóa, vừa có lợi cho thành phố, vừa có lợi cho doanh nghiệp.
Qúy khách hàng có thể tham khảo thêm những thông tin mới nhất tại:https://batdongsanexpress.vn