[Báo cáo] Tình hình BĐS Việt Nam vào năm 2007 - 2008
Thị trường bất động sản Việt Nam luôn có diễn biến đầy phức tạp. Sau một khoảng thời gian đóng băng thì bất động sản Việt Nam đón nhận những tín hiệu vui khi xuất hiện sự khởi sắc và hồi phục của thị trường vào năm 2007 đến 2008.
Cùng nhìn lại sự khởi sắc giúp các nhà đầu tư có hy vọng hơn của thị trường bất động sản Việt Nam trong năm 2007 -2008 của thập kỷ đầy biến động.
Năm 2007 đánh dấu sự thay đổi lớn trong bất động sản Việt Nam – Bắt đầu sôi động hơn
Sau thời gian đóng băng, đến năm 2007, thị trường bất động sản cũng đã ấm dần và rã đông. Quý I năm 2007 thị trường bắt đầu sôi động, nhiều trung tâm môi giới đã ghi nhận những báo cáo giao dịch tốt hơn rất nhiều ngay trong những ngày đầu tháng 1.
Nhiều giao dịch được thực hiện thành công. Người mua trong số đó là những người thu được khoản lớn từ những giao dịch trên thị trường chứng khoán, họ tìm kiếm biệt thự và nhà ở cao cấp bằng số tiền lời chứng khoán.
Không chỉ những giao dịch mua bán nhà đất ở, ngay cả nhu cầu về đất xây dựng công sở, cơ quan cũng trở nên “nóng” khi giá thuê văn phòng ngày càng tăng. Đối tượng của thị trường BĐS còn là những dự án xây dựng các khách sạn cao cấp xung quanh các khu nhà làm việc mới của Chính phủ. Chỉ xét tính xung quanh khu nhà Trung Tâm Hội Nghị Quốc Gia mà đã có sự cạnh tranh quyết liệt giữa các chủ đầu tư từ Hàn Quốc và Nhật Bản với số vốn lên tới hàng trăm triệu USD.
Giá nhà đất tăng cao, tại Sài Gòn, chỉ trong vòng 3 tuần, giá nhà ở khu dân cư Thái Sơn (huyện Nhà Bè) đã tăng từ 5,5 – 6 triệu đồng/1m2 lên tới 10 – 11 triệu đồng/1m2. Còn ở Hà Nội, khu vực “đắc địa” với giá bán tăng trung bình thêm 30% là các khu chung cư cao cấp ở trong trung tâm thành phố, và khu Cầu Giấy – Từ Liêm. Phân khúc thị trường đã có sự chuyển đổi từ nhà mặt tiền, nhà phố sang căn hộ cao cấp và biệt thự.
Nguyên nhân nào làm thay đổi thị trường đang đông lạnh bấy lâu nay?
Nguyên nhân của việc tăng trưởng bất ngờ và mạnh mẽ của thị trường bất động sản năm 2007 một phần là do sự thay đổi của chính sách. Sự “đóng băng” của thị trường cũng gây lo ngại cho nhà quản lý. Để góp phần “rã băng”, từ 1.1.2007 Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực, cùng sự ra đời quy định chính sách kinh doanh bất động sản giúp các nhà đầu tư yên tâm hơn khi tham gia thị trường.
Hành lang pháp lý cho thị trường ngày càng trở nên rõ ràng, hợp lý như Luật Đăng ký Bất động sản, Luật thuế sử dụng đất, Luật Nhà ở, chính sách áp dụng cho Việt kiều mua nhà… đã được hoàn thiện và bắt đầu có hiệu lực. Việc này phần nào tạo ra những dự đoán về sự bùng nổ thị trường bất động sản trong năm 2007.
Nguồn vốn FDI tăng trưởng mạnh đầu tư vào Việt Nam tạo tăng trưởng kinh tế ấn tượng cũng là một trong những nguyên nhân góp phần vào cơn sốt nhẹ lần thứ ba. Bên cạnh đó, lợi nhuận từ chứng khoáng góp phần tạo nguồn vốn vững chắc cho thị trường kết hợp giá vàng giai đoạn này không có sự biến động lớn như trước. Người mua và người bán đều yên tâm, góp phần làm cho việc giao dịch nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Sự khởi sắc năm 2007 – 2008 là thế nhưng vẫn không thể tạo cơn “sốt” cho thị trường đóng băng nghiêm trọng trước đó
Tuy nhiên, cơn sốt nhẹ không đủ để tạo tình trạng “nóng sốt” cho nhà đất như dự đoán của nhiều người. Cuối quý III năm 2007 tình hình chuyển biến ngược lại do sự tác động của thị trường chứng khoáng. Không còn nguồn lợi nhuận từ chứng khoáng, bất động sản cạn kiệt nguồn vốn.
Thêm vào đó, nhà nước thực hiện chính sách thắt chặt tín dụng chống lạm phát trở thành nguyên nhân dẫn đến tình trạng “ngủ đông” đầu 2008. Thị trường không hẳn là đóng băng như giai đoạn 2004 – 2006 nhưng các giao dịch cũng chậm lại và rớt giá.
Sự sụt giảm của thị trường khiến nhiều nhà đầu cơ “lướt sóng” gặp cảnh lao đao. Những dự án lớn, có vị trí đắc địa với giá đất được đẩy lên rất cao như Him Lam – Kênh Tẻ (có lúc lên đến 90-100 triệu đồng/m2), Thạnh Mỹ Lợi (35-40 triệu đồng/m2 đã tụt xuống còn 20-25 triệu đồng/m2 (Him Lam), An Phú – An Khánh (vào thời điểm cao nhất có khi lên đến 45 -60 triệu đồng/m2, hoặc 18-20 triệu đồng/m2 (An Phú – An Khánh), Thạnh Mỹ Lợi (15-20 triệu đồng/m2)…
Giai đoạn này, từ sự khởi sắc ban đầu, phân khúc căn hộ cao cấp và biệt thự chịu tác động mạnh trong đợt ngủ đông cuối năm 2007.